Các chợ nông thôn trên địa bàn huyện Hưng Hà sử dụng mã QR để thanh toán khi mua hàng.
Trước đây, việc TTKDTM khu vực nông thôn ở huyện Hưng Hà gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn quen sử dụng tiền mặt, chưa tiếp cận với các dịch vụ công nghệ mới. Nhưng 2 năm trở lại đây, hoạt động TTKDTM khu vực nông thôn của huyện đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Từ các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đến các khu vực chợ nông thôn đều có mã QR để thanh toán.
Chị Nguyễn Thị Phượng, thị trấn Hưng Hà cho biết: Hầu hết các siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh hiện nay đều chấp nhận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua thẻ ATM hoặc quét mã QR. Do vậy, khi đi mua sắm, tôi chỉ cần mang theo ít tiền mặt để thanh toán khi mua những món hàng có giá trị nhỏ, còn lại hầu hết đều thực hiện thanh toán điện tử. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi, nhanh gọn, giúp tôi yên tâm khi đi ra ngoài vì không phải mang theo nhiều tiền mặt trong người.
Là một trong những cửa hàng tạp hóa lớn ở thị trấn Hưng Hà, cửa hàng Hải Quỳnh đã tìm hiểu cập nhật công nghệ số TTKDTM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi đến mua sắm. Trung bình một ngày số lượt người đến mua sắm sử dụng hình thức TTKDTM chiếm gần 60%.
Chị Tạ Thị Quỳnh, chủ cửa hàng cho biết: Từ ngày tạo mã QR để sử dụng trong quá trình bán hàng, tôi thấy rất tiện lợi. Khách hàng chỉ cần quét mã QR là tiền đã chuyển vào tài khoản mà tôi không phải vất vả tìm tiền lẻ trả lại. Điều này cũng tránh tình trạng nhầm lẫn hay tiền rách, tiền giả.
Các cửa hàng kinh doanh lớn đều sử dụng hình thức TTKDTM.
Ông Nguyễn Duy Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Hà cho biết: Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các tổ công nghệ số cộng đồng của thị trấn tích cực tuyên truyền về những tiện ích của việc TTKDTM. Vận động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhất là các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, quán ăn trên địa bàn triển khai cung cấp mã QR nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người bán và người mua. Đến nay, trên địa bàn thị trấn có hơn 80% các siêu thị, cửa hàng, chợ ứng dụng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã QR.
Không chỉ ở siêu thị, trung tâm thương mại lớn, các cơ sở kinh doanh, cửa hàng tiện ích, ngay tại chợ nông thôn các xã, thị trấn cũng chú trọng đến việc áp dụng hình thức này.
Chị Trần Thị Huyền, thôn Ngũ Đông, xã Điệp Nông cho biết: Chỉ với vài thao tác dễ dàng, nhanh chóng bằng chiếc điện thoại thông minh, khách hàng đã thanh toán chi phí mua hàng mà không phải mất thời gian chờ đợi đưa tiền mặt hay nhận tiền thừa như trước nữa. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho cả người bán và người mua. Không riêng quầy hàng của tôi mà các quầy hàng ở đây đều có thể thanh toán bằng chuyển khoản hoặc quét mã QR.
Chị Trần Thị Huyền, thôn Ngũ Đông, xã Điệp Nông sử dụng phần mềm quét mã QR cho khách hàng.
Thậm chí, gần đây phần lớn các khoản sinh hoạt chi tiêu trong gia đình như: tiền điện, tiền nước, tiền mạng internet, tiền học phí… đều được người dân trong huyện thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Chị Nguyễn Thị Thuần, xã Chí Hòa cho biết: Hàng tháng, sau khi nhận được tin nhắn thông báo chỉ số công tơ điện đã sử dụng và số tiền điện thanh toán, chúng tôi có thể thanh toán tiền điện thông qua các kênh dịch vụ mọi lúc, mọi nơi mà không phải mất thời gian đến các địa điểm thu tiền điện như trước đây.
Để tăng tỷ lệ người dân TTKDTM trong quá trình giao dịch, mua bán để thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, thời gian qua, huyện Hưng Hà đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc TTKDTM; thực hiện cơ chế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển TTKDTM; vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện tăng cường việc triển khai áp dụng, sử dụng hình thức mua bán hàng trực tuyến; khuyến khích khách hàng, người tiêu dùng đến mua sắm tại cơ sở kinh doanh tích cực sử dụng hình thức thanh toán này, từng bước thay đổi thói quen trong việc không dùng tiền mặt theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần đẩy nhanh quá trình ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Nguồn tin: Baothaibinh.com.vn